Ngày 24/11/2021 tại thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.
Những vấn đề còn tồn tại của văn hóa hiện nay được đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ và yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Trong đó, yêu cầu toàn ngành triển khai học tập, quán triệt sâu sắc toàn văn Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thấm nhuần những thành tựu, hạn chế của văn hóa sau 35 năm đổi mới mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, đặc biệt nghiên cứu sâu sắc 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp căn bản để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Trong năm 2022 - 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu triển khai các Đề án, Nghị quyết, các cơ chế chính sách về phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiêu biểu như: Đề án khoa học “Nghiên cứu phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, nghiên cứu trong hai năm 2021 - 2022, đã được Hội đồng khoa học tỉnh đánh giá, nghiệm thu vào tháng 6/2023; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/12/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết số 06/2023/HĐND ngày 05/5/2023 của HĐND tỉnh về ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 08/2023/HĐND ngày 05/5/2023 về việc thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 13/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc …
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn, nhất là về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa. Nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp tiếp tục được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ được cấp ủy, Lãnh đạo Sở tăng cường quan tâm chỉ đạo, tổ chức. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng; vận động nhân dân tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, gia đình, thể thao ở cơ sở... trên địa bàn toàn tỉnh có kết quả tích cực, rõ nét hơn. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước; giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Vĩnh Phúc tiếp tục được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Tích cực, chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; mở rộng hợp tác văn hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng với bạn bè quốc tế, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; xây dựng con người Vĩnh Phúc thời kỳ đổi mới được các cấp chính quyền quan tâm, nhân dân tích cực hưởng ứng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua phong trào, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được khai thác, phát huy tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các chính sách xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa là những nội dung trọng tâm của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng gia đình văn hóa là khởi nguồn để xây dựng môi trường văn hóa ở cộng đồng dân cư. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng đạo đức trong sáng, giáo dục truyền thống gia đình, nếp sống văn hóa và chuẩn mực ứng xử, thực hiện tốt bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tỷ lệ gia đình văn hóa ước đạt trên 93%. Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa được triển khai đồng đều, sôi nổi, theo đó, đời sống kinh tế của các thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa ổn định và từng bước phát triển; cơ sở hạ tầng sinh hoạt của gia đình và cộng đồng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn. Môi trường cảnh quan được đảm bảo, kỷ cương pháp luật được thực hiện; tình làng nghĩa xóm được củng cố, cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 95%.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hương ước, quy ước được các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm, chỉ đạo thực hiện, được lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn về văn hóa cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, công tác gia đình. Hương ước, quy ước ở các thôn, tổ dân phố đã được triển khai hiệu quả từ đó góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, tạo môi trường sống văn minh, phát triển, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Có 1.237/1.237 thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được phê duyệt và thực hiện tốt. Năm 2023, đã tiến hành rà soát, xây dựng mới 37 bản hương ước, quy ước trong đó có 28 hương ước của các Làng văn hóa kiểu mẫu được bổ sung những nội dung văn minh tiến bộ, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Làng văn hóa kiểu mẫu, phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh, an sinh xã hội, góp phần thay đổi diện mạo đô thị nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 14/9/2023 phát huy các loại hình văn hóa, văn nghệ quần chúng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030; Kế hoạch 46/KH-UBND ngày 22/2/2023 về Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tịnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025... Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào, đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng, khơi dậy và phát huy được tính tích cực, sáng tạo, nguồn lực của nhân dân, tạo ra sức mạnh toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tiếp tục được duy trì. Hình thức hỏa táng ngày càng được nhân dân đồng tình ủng hộ và tự giác thực hiện. Người dân đã thay đổi tư duy, thói quen, nhận thức được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi từ hung táng sang hình thức hỏa táng. Tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 65%. Thông qua phong trào, các yếu tố văn hóa và nhân tố con người được khai thác, phát huy tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các chính sách xã hội.
Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, cấp huyện: có 9/9 huyện, thành, phố có Trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện đảm bảo theo quy định, cấp xã có 136/136 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, Hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên, có khu thể dục thể thao; Trong đó có 102 xã nông thôn mới có Trung tâm Văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định. Đối với thôn, TDP : Có 1.237/1.237 thôn, TDP có nhà văn hóa, khu thể thao; trong đó có 1.072 thôn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định.
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng "Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc", các chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 ‑ 2030, đã triển khai đầu tư xây dựng 28 Khu thiết chế văn hóa thể thao Làng Văn hóa kiểu mẫu với các hạng mục cơ bản: Nhà văn hóa thôn và sân bãi (tổi thiểu 800m2); Khu thể dục thể thao (tổi thiểu 800m2); Khu vườn dạo, vườn hoa, cây xanh (tối thiểu 500m2); Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kết hợp linh hoạt, hợp lý các khu trưng bày, quảng bá, tập kết, mua sắm sản phẩm địa phương tiêu biểu; gắn kết với các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của làng. Kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thành phố không quá 15 tỷ đồng/làng. Song song với việc đầu tư xây dựng thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu, HĐND tỉnh ban hành 16 cơ chế, chính sách đặc thù, 14 tiêu chí để triển khai thực hiện tại các Làng Văn hóa kiểu mẫu với mục tiêu xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Đến hết tháng 11/2023, đã khánh thành và đưa vào sử dụng 28/28 Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường với tổng diện tích 5000m2; LVHKM thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương với tổng diện tích 7.000m2; LVHKM thôn Chiến Thắng với tổng diện tích hơn 8.000 m2; LVHKM thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch với tổng diện tích 7.280 m2; LVHKM thôn Vân Nam, xã Vân Trục với tổng diện tích 8.767m2; LVHKM thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn với tổng diện tích 9.988,16 m2…).

(Khánh thành khu thiết chế văn hóa thể thao Làng Văn hóa kiểu mẫu thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc)
Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa thường xuyên được các địa phương, các sở ngành liên quan tham mưu về cơ chế chính sách, đầu tư kinh phí bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa
Công tác quản lý di tích được chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy những di tích, di sản văn hóa có giá trị, tiêu biểu của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 521 di tích được nhà nước xếp hạng. Gồm: 04 di tích/cụm di tích quốc gia đặc biệt (06 di tích); 62 di tích quốc gia, 453 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học và trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh 07 di tích theo chương trình công tác năm 2022; Triển khai các nội dung rà soát, tổng hợp, lập danh mục di tích, tham mưu giao nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp năm 2023 đối với 16 di tích (03 di tích đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, 13 di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh).
Hướng dẫn, tham mưu thực hiện công tác bảo quản, sửa chữa di tích, bổ sung đồ thờ, công trình phụ trợ, báo cáo chủ trương, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, dự án tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác đối với 24 di tích (03 hạng mục thuộc di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp tỉnh). Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ đầu tư tu bổ cho 20 di tích trong danh mục Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đối với 12 di tích quốc gia, 08 di tích cấp tỉnh.
Đối với việc quản lý di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập hồ sơ khoa học ghi danh di sản văn hóa phi vật thể 04 di sản văn hóa phi vật thể. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình trong việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng để trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hướng dẫn, rà soát, triển khai thực hiện hỗ trợ câu lạc bộ dân ca tiêu biểu và Nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo Nghị quyết số 12/2020 của HĐND tỉnh; Tổng hợp, đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết đối với 19 Câu lạc bộ dân ca tiêu biểu đủ điều kiện (năm thứ 2 - năm 2023) - tổng kinh phí: 335,00 triệu đồng); hoàn thành hỗ trợ kinh phí cho 11 Nghệ nhân ưu tú được chủ tịch nước phong tăng danh hiệu năm 2022 (tổng kinh phí: 147,51 triệu đồng).
Nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc, các địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc và tăng cường giao lưu, tiếp thu văn hóa nhân loại, công tác đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, gắn với các giá trị văn hóa tiêu biểu của tỉnh được đẩy mạnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch. Xây dựng chương trình, kế hoạch và nội dung xúc tiến quảng bá du lịch với những dấu ấn riêng, độc đáo của tỉnh Vĩnh Phúc bằng nhiều hình thức quảng bá xúc tiến khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá điểm đến, các sản phẩm văn hóa du lịch tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc tại Seagames 31. Tổ chức phục vụ 260 lượt người của các đoàn Quốc tế tham dự Sea game tại Vĩnh Phúc đi tham quan Khu di tích danh thắng Tây Thiên và Khu nghỉ mát Tam Đảo. Tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, hiệu quả nhằm giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ra các nước thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật. Kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa như: biểu diễn giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị về các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế, đặc biệt là với các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh Vĩnh Phúc và các đối tác mới thiết lập quan hệ.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ liên hoan, hội thi, hội diễn, trưng bày triển lãm, thể dục thể thao… được các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp tổ chức từ cấp tỉnh đến cơ sở nhân các sự kiện, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh với nhiều nội dung phong phú, đa dạng về hình thức.
Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế, loại hình văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa trong nhân dân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân tổng số 600 buổi, trong đó: Biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân các xã nông thôn, miền núi, cụm khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phục vụ du khách,…theo Kế hoạch 103/KH -UBND ngày 27/4/2021 và Kế hoạch 123/KH-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh. Dàn dựng các chương trình nghệ thuật, các vở diễn trên nền tảng các di sản văn hóa phù hợp với nghệ thuật đương đại; Các chương trình nghệ thuật mới có nội dung phản ánh các vấn đề của xã hội hiện đại, có ý nghĩa trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng con người Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện nay như vở chèo “ Nắng về”, “ Đèn trời”, “Người Vĩnh Phúc”, vở chèo “Quốc Mẫu Tây Thiên”; nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống, ca múa nhạc hiện đại; Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam ghi hình các tiết mục biểu diễn trong chương trình “Về miền di sản” tại huyện Yên Lạc; ghi hình vở chèo “ Nắng về” phát sóng trên kênh VTV1 phục vụ khán giả xem truyền hình.
Năm 2023 đã đăng cai 01 Hội diễn Toàn quốc và tham gia 04 cuộc hội thi, hội diễn toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức nhằm lưu giữ, phát huy và giao lưu, giới thiệu văn hóa địa phương tới bạn bè trong nước và quốc tế. Phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở đăng cai tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng Năm 2023; Tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng Năm 2023; Kết quả Đoàn NTQV tỉnh đạt 01 HCV toàn đoàn; 02 HCV và 02 HCB cho các tiết mục tham gia; Tham gia Liên hoan trình diễn Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại tại tỉnh Phú Thọ; Tham gia chương trình Hội thi Tuyên truyền lưu động “Biển và Hải đảo Việt Nam” tại Hải Phòng. Kết quả đạt Giải A xe TTLĐ; giải B gian trưng bày và thuyết minh triển lãm; 01 giải A và 02 giải B cho các tiết mục tham gia phần văn nghệ cổ động; Tham gia Hội diễn “Đàn, hát dân ca 3 miền” tại tỉnh Nghệ An đạt HCB toàn đoàn, 1HCV, 1 HCB cá nhân.
Các hoạt động chiếu phim phục vụ cơ sở cũng được đẩy mạnh, tổ chức chiếu phim lưu động giới thiệu các phim mới phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân; Chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị theo Luật Điện ảnh, Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Kế hoạch của UBND tỉnh. Kết quả hoàn thành 100/100 kế hoạch năm; Chiếu phim lưu động phục vụ công nhân các khu, điểm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: 25/25 buổi (100% kế hoạch); Tổ chức chiếu phim tại Nhà hát tỉnh: 10 buổi; Công tác chiếu phim lưu động tại các xã nông thôn: 144/144 buổi ; Chiếu phim lưu động tại các xã miền núi: 200/200 buổi.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật được triển khai rộng khắp tại cơ sở, tạo không khí, phong trào để nghệ thuật quần chúng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, qua đó bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của mỗi địa phương. Trong năm 2023 đã tổ chức 04 Hội diễn cấp tỉnh; 04 lớp tập huấn văn hóa văn nghệ, 04 nội dung chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ: Tổ chức Liên hoan hát văn, hát Chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc mở rộng năm 2023 từ ngày 3 - 6/3/2023 tại khu danh thắng Tây Thiên gồm 29 CLB trong và ngoài tỉnh tham gia; Hội thi Dân ca dân vũ các CLB nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc Lần thứ II năm 2023 gồm 29 CLB tham gia với hơn 80 tiết mục và được diễn ra từ ngày 27-30/3/2023 tại Văn Miếu tỉnh; Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 chào mừng Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9 tham gia với 9 đoàn/ 7 huyện, thành phố với 41 tiết mục tại Nhà hát tỉnh; Liên hoan nghệ thuật quần chúng người cao tuổi tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 tại Văn Miếu;
Công tác Văn hoá, văn nghệ quần chúng, đào tạo bồi dưỡng các CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng được quan tâm, triển khai sâu rộng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 02 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hạt nhân văn nghệ quần chúng huyện Vĩnh Tường và bồi dưỡng Hát Văn, Chầu văn cho Hội viên Câu lạc bộ Hát Văn, ChầuVăn tỉnh Vĩnh Phúc; Xây dựng kế hoạch phối hợp mở lớp tập huấn, truyền dạy hát Sọong Cô cho đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; Tham gia truyền dạy trực tiếp Hát Trống Quân Đức Bác cho học sinh các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, bên cạnh những kết quả đạt còn tồn tại một số khó khăn hạn chế như: Các công trình văn hóa - thể thao trọng điểm của tỉnh còn thiếu, chưa được hoàn thiện (Rạp chiếu phim, Sân vận động, Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật, tượng đài, tranh hoành tráng quy mô cấp tỉnh…)
Về công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phát huy giá trị di sản văn hóa còn bất cập. Việc tuyên truyền, phổ biến luật di sản văn hóa và các quy định của nhà nước về bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, xuất hiện các vi phạm, xâm hại đối với DSVH, vẫn còn một số hiện tượng xâm hại di tích trong quá trình tu bổ, dẫn đến những vi phạm về yếu tố gốc cấu thành của di tích và làm thay đổi nội dung thờ tự. Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích thiếu nguồn lực đầu tư nên vẫn còn một số di tích xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh bị xuống cấp nghiêm trọng. Công tác truyền dạy trong cộng đồng chưa được thường xuyên, liên tục; công tác nghiên cứu, phục dựng, sưu tầm, phục dựng hoạt động diễn xướng tại các di tích còn ít; hệ thống các di tích, nhà văn hóa gắn với không gian diễn xướng di sản chưa được quan tâm đúng mức; các nghệ nhân thực hành di sản phần lớn tuổi cao, nên khả năng truyền dạy hạn chế. Công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội, khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, môn thể thao dân tộc, tái hiện các trò chơi, trò diễn dân gian trong các lễ hội truyền thống chưa thu hút được thế hệ trẻ tham gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc chưa đăng cai tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế. Các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh gặp nhiều khó khăn trong yêu cầu đổi mới công nghệ và cạnh tranh thu hút khán giả với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại khác. Thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ biểu diễn đã xuống cấp, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật, cũng tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng như việc duy trì các hoạt động chuyên môn thường xuyên của các đơn vị.
Các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh bước đầu đã hình thành nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu. Vĩnh Phúc chưa có nhiều điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: điện ảnh, quảng cáo, thiết kế thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh... . Việc thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa và lao động kỹ thuật cao để phát triển dịch vụ văn hóa còn hạn chế.
Nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa còn thiếu, chất lượng chưa cao. Đội ngũ nhân lực văn hóa thiếu những chuyên gia giỏi, được đào tạo chuyên sâu sau đại học hoặc đào tạo ở nước ngoài, năng lực ngoại ngữ hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi muốn tăng cường hội nhập quốc tế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; nhiều thiết chế văn hóa, thể thao trọng điểm của tỉnh còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng hoặc tiến độ xây dựng chậm
Để khắc phục những khó khăn hạn chế, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Phúc nói riêng. Thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị về cách tiếp cận văn hóa, đổi mới phương pháp, cách làm nhằm phát triển, nâng tầm văn hóa Vĩnh Phúc, để văn hóa thực sự “đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị”.
Bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc… để phát triển văn hóa, tạo điều kiện nhân dân trong tỉnh thụ hưởng giá trị tinh thần ngày một tốt hơn. Theo dõi, rà soát, đôn đốc tiến độ các dự án liên quan đến việc phát triển văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tổng hợp.
Hàng năm quán triệt và đưa nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với lĩnh vực văn hóa.
Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa thông tin đúng thực chất; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa của ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cộng tác viên làm công tác văn hoá, thể thao ở cơ sở làm hạt nhân cho phát triển các phong trào văn hoá thể thao quần chúng.
Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt để trở thành những sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng vừa phục vụ giáo dục truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Chú trọng đầu tư, xây dựng, nâng cấp và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở đảm bảo tính đồng bộ. Xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên người làm công tác văn hóa cơ sở, nhất là những người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc, có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy văn hóa dân gian truyền thống trên địa bàn.
- Tiếp tục chỉ đạo, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 12/12/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Nghị quyết số 19-NQ/TU Ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Nghị quyết số 06/2023-HĐND ngày 05/5/2023 về ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030, Nghị quyết số 08/2023-HĐND ngày 05/5/2023 về việc thông qua Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…
NGÂN ĐỖ
(Chuyên viên Phòng Quản lý Văn hóa)