Sign In
Document

Sở VĂN HOÁ, THỂ THAO và DU LỊCH

TỈNH VĨNH PHÚC

Hát Trống quân Đức Bác

00:00 17/08/2022
 

Chọn cỡ chữ  

 

  Đọc bài viết   In trang

Hát trống quân Đức Bác là di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Chủ thể của di sản là cộng đồng nhân dân ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Đức Bác nằm ở phía Nam của huyện sông Lô, trên tuyến tỉnh lộ 306, phía Bắc giáp với xã Tứ Yên và Đồng Thịnh, phía Đông và phía Nam giáp với xã Cao Phong, phía Tây giáp với dòng sông Lô - ranh giới ngăn cách xã Đức Bác với phường Dữu Lâu và xã Phương Lâu thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.Đức Bác là nơi cư trú chủ yếu của cộng đồng người Kinh. Theo thống kê năm 2018 địa bàn toàn xã có 1.874 hộ, với 7.350 nhân khẩu. Xã có 11 thôn là: Dương Thọ, Giáp Hạ, Giáp Thượng, Giáp Trung, Khoái Thượng, Khoái Trung, Nam Giáp, Thọ Cương, Thọ Lão, Thượng Đức, Thượng Trưng. Hầu hết các thôn của xã Đức Bác đều có nghệ nhân cao tuổi am hiểu và thực hành truyền dạy về hát trống quân trong cộng đồng.
 
(Ông Nguyễn Văn Phấn - sinh năm 1916 - Nghệ nhân ưu tú - truyền dạy hát Trống quân Đức Bác cho các cháu)
 
Hát trống quân vốn là loại hình dân ca đối đáp giao duyên giữa nam và nữ, được hình thành trong đời sống thường của người Việt từ xưa ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh vùng đồng bằng và trung du phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra... Mỗi địa phương lại có những điệu hát và lối hát trống quân riêng của mình.Ở Vĩnh Phúc, điệu hát này xuất phát từ làng Đức Bác (huyện Sông Lô) nên gọi là “Hát Trống quân Đức Bác”.
Theo một số nhà nghiên cứu địa phương, tên gọi Hát trống quân bắt nguồn từ việc sử dụng trống đệm để giữ nhịp bình quân cho việc hát xướng. Về nguồn gốc, phần lớn người dân đều không rõ Hát trống quân có từ bao giờ, chỉ biết được truyền miệng qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn theo như trước mà thực hành. Các cụ cao niên ở xã Đức Bác kể rằng, Hát trống quân ở Đức Bác là do một nữ thần múa hát truyền dạy, xưa kia còn có đền thờ vị nữ thần này trên gò Âm Ảnh. Tích chuyện mang tính thuyết phục nhất, gần gũi nhất với lề lối diễn xướng trong Trống quân Đức Bác là tục hát “nước nghĩa” giữa trai làng Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc và gái làng Phù Ninh thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ.Truyện kể rằng: Ngày xưa, có ba thiếu nữ xinh đẹp của làng Phù Ninh đang hái lá dâu ngoài bãi sông thì bị lũ cuốn theo dòng Lô giang và trôi dạt vào bãi bồi bên kia sông thuộc xã Đức Bác. Trai làng Đức Bác đi tuần đê trị thủy, thấy thế thì đưa vào bờ, sắp xếp tươm tất rồi báo cho dân làng Phù Ninh khiến họ vô cùng cảm kích. Kể từ đấy, hai làng Phù Ninh và Đức Bác kết nghĩa với nhau, mỗi năm tết đến xuân về, trai gái hai làng lại xúng xính khăn áo, trên bến dưới thuyền đón đưa qua dòng Lô giang để trao gửi, giao duyên, tục hát xướng “nước nghĩa”theo đó màxuất hiện, duy trì đến bây giờ.
Theo các cụ ngày xưa trong làng kể lại và những tài liệu còn lưu giữ: Hát Trống quân Đức Bác có từ thời phong kiến, gắn với lễ hội làng Đức Bác. Cứ khoảng 3 năm làng mới có điều kiện mở hội một lần, lễ hội diễn ra trong 3 ngày đầu tháng Hai âm lịch. Làng phải chuẩn bị nhiều lương thực, chỗ ăn, nghỉ cho khách thập phương đến dự hội, lại để riêng 12 nong ngô và 12 nong gạo cho các cô đào từ làng kim Đức huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ sang tham gia. Trên bia đình làng Đức Bác còn ghi lại những quy định về quyền mua bán hát cửa đình - mà nhiều nhà khoa học nhận định ở đây là hát Trống quân - có niên đại năm 1734 (thời vua Lê Ý Tông).
Diễn xướng Trống quân chia làm 2 thể loại đó là hát giao duyên và hát thờ. Hát giao duyên gồm các làn điệu: hát Trống quân, hát Mó cá, hát Đúm, Xin hoa đố chữ. Hát thờ gồm các làn điệu: Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang. Diễn xướng gắn liền với lễ hội “khai xuân cầu đinh” của làng Đức Bác, diễn ra tại đình Thượng của làng. Vào hội làng, ngày thứ nhất, các chàng trai Đức Bác vai mang trống quân kéo nhau ra bến sông đón “đào” là các cô gái Phù Ninh sang hội, nghi thức đón đào được thể hiện bằng lời hát, điệu múa, cơ bản có ba đoạn hát chính: “hát đón đào”, “hát mời đeo trống” và “hát cấm”, nam hát trước và nữ hát đối sau. Sau khi đón đào là nghi thức hát rước đào lên đường (hát trên chặng đường đi vào đình làng).Đây là phần hấp dẫn nhất vì chỉ có trong chặng này các cặp trai gái hai làng mới trổ tài ứng tác và ứng vận để thể hiện tài năng của mình, cuộc hát vì thế mà trở thành cuộc thi tài giữa trai gái hai làng.Khi đến đình làng có “hát khi đến cửa đình” tương đương với “hát cửa đình” rồi vào đình lễ thánh, sau đó là màn hát giao duyên đối đáp đến khuya. Sáng sớm ngày thứ hai, trước khi rước kiệu, để mở đầu cho hát thờ, phường xoan phải sửa mâm lễ dâng lên mời thành hoàng làng về xem hát múa.Khi rước kiệu có 4 đào trẻ tuổi, chưa chồng, đi dưới gầm kiệu hát điệu Phụ Giá. Hát thờ thường có 3 chặng, tương ứng với 3 nghi lễ: múa Nghênh thần, hát Quả cách và múa hát Đi chơi bợm gái. Múa nghênh thần, tương ứng với điệu hát múa là: Múa mời vua, hát Giáo Trống, Giáo Pháo, Thơ Nhang, Đóng Đám... Sau phần nghi lễ là diễn xướng hát đúm - hát trước sân đình với quả đúm (ba vuông vải điều để gói trầu cau, tiền chinh hoặc gương, lược), vừa hát vừa tung trao tay nhau quả đúm...
 

Cách thức và không gian hát trống quân tập trung chủ yếu tại sân đình trong cả quá trình diễn xướng. Tuy nhiên những lúc nghỉ ngơi, trai gái các làng lân cận đến xem họ tập trung ở đường làng và hát giao duyên tạo nên sự đa dạng của loại hình hát trống quân trong ngày hội làng.
Hát Trống quân Đức Bác là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc thù đã xuất hiện và tồn tại rất lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân xã Đức Bác, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc. Hát trống quân Đức Bác là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian song lại mang tính tổng thể nguyên hợp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa vật thể (đình làng, nhạc cụ, trang phục, vật phẩm tế lễ...) với văn hóa phi vật thể (tín ngưỡng, nghi lễ, diễn xướng...). Ở đó không chỉ có hát và múa mà còn bao gồm cả giao duyên nam nữ và ma thuật (tục hèm) tín ngưỡng của người Việt cổ.
Hát trống quân Đức Bác được coi là một trong những “đặc sản” của văn hóa địa phương có sức sống bền vững trong lòng nhân dân lao động. Nó đã được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn; đã góp phần vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho quần chúng nhân dân, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Trải qua bao biến động của lịch sử, loại hình sinh hoạt dân gian này đến nay vẫn tồn tại với những nét khác biệt, thể hiện sự tinh tế và tính bản địa đặc sắc; chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội, kinh tế,… vô cùng quý giá đối với đời sống cộng đồng hiện nay.Hát trống quân Đức Bác còn hàm chứa giá trị khoa học về việc nghiên cứu ca dao, tục ngữ, câu đố của người Việt, ngôn ngữ học, thi pháp thơ ca, các mảng trò diễn, giá trị phồn thực, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ biểu cảm ứng xử trong cuộc sống, đáng để quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng, bảo tồn và phát huy.
Thực hiện Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các trườngTiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn xã Đức Bác, huyện Sông Lô,tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Sông Lô, các cơ quan liên quan và chính quyền, nhân dân địa phương đã triển khai xây dựng nội dung, xuất bản tài liệu, tổ chức tập huấn, truyền dạy hát Trống quân Đức Bác tại các trường học thuộc xã Đức Bác. Đây là một trong những hoạt động, giải pháp hiệu quả nhằm mục đích là trao truyền tinh hoa văn hóa phi vật thể của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc; bảo tồn, phát triển giá trị đặc sắc của nghệ thuật diễn xướng hát Trống quân Đức Bác đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
 
Hoàng Lĩnh
 
 

   
   
   
Chưa có bình luận!
EMC Đã kết nối EMC